Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 ngày càng diễn biến phức tạp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay, người dân được kêu gọi ở nhà, chỉ ra đường khi thật cần thiết [1]. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm hằng ngày trong gia đình và đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch, người tiêu dùng có xu hướng chọn mua thực phẩm online (mua qua mạng) để sử dụng và xu hướng này ngày càng dần trở nên quen thuộc đối với người dân thành phố.

Nhu cầu thực phẩm mua qua mạng, đặc biệt là các loại thực phẩm tươi sống: thịt, cá, trứng, rau củ quả tăng cao đột biến. Song song với các kênh phân phối hiện đại tổ chức loại hình mua hàng trực tuyến, các cá nhân kinh doanh thực phẩm thông qua các nền tảng mạng xã hội cũng đang nở rộ. Phần lớn các cá nhân này kinh doanh theo hình thức tự phát, không có giấy phép kinh doanh cũng như không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm và việc trao đổi giao thương giữa người mua và người bán chủ yếu dựa vào niềm tin và một số cá nhân đã lợi dụng nhu cầu mua thực phẩm qua mạng của người dân tăng cao và kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Do đó, khi mua thực phẩm qua mạng, người tiêu dùng nên chọn các trang thương mại điện tử đã được công bố rộng rãi của các cơ quan quản lý nhà nước[1], các kênh bán hàng online của các hệ thống siêu thị Coopmart, Satrafoods, Big C, Vinmart, MM Mega Market, Aeon, Bách hóa xanh…các Công ty có chứng nhận về chất lượng thực phẩm. Nếu mua thực phẩm trên các nền tảng xã hội, cần cân nhắc và thận trọng khi chọn mua các loại thực phẩm, nên tham khảo người thân, bạn bè hoặc các đánh giá, nhận xét và hình ảnh của những người mua trước; xem xét giá cả các loại thực phẩm vì hiện nay một số người bán nâng giá thực phẩm cao so với giá quy định; không nên thanh toán đơn hàng trước, đối với các người bán không chắc chắn về uy tín, chất lượng thực phẩm; kiểm tra số lượng và chất lượng thực phẩm theo đơn hàng đã đặt khi nhận hàng.

Bên cạnh đó, không ít các gia đình có xu hướng đặt một lượng lớn thực phẩm trong một lần mua hàng nhằm tích trữ sử dụng trong thời gian dài. Điều này có thể vô tình khiến thực phẩm mất dinh dưỡng, không đảm bảo an toàn sử dụng và có nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu bảo quản không đúng cách, ngay cả khi đã bảo quản trong tủ lạnh [3]. Khi đặt mua thực phẩm qua mạng người tiêu dùng cần lưu ý:

–       Kiểm tra các loại thực phẩm đã có trong tủ lạnh, tủ đông… và hạn sử dụng của các thực phẩm đó.

–       Lên danh sách mua sắm các loại thực phẩm cần mua. Nên chọn mua các nhóm sản phẩm như nhóm rau và trái cây, nhóm cung cấp chất đạm (thịt, cá, trứng…), nhóm ngũ cốc (gạo trắng, gạo lức, yến mạch, bánh mì, phở, nui, mì gói…), nhóm sữa và sản phẩm từ sữa (sữa tươi, sữa chua, phô mai… nên chọn loại ít béo hoặc không béo).

–       Không nên mua quá nhiều thực phẩm để tích trữ sử dụng thời gian dài, hãy dự tính số lượng tiêu thụ của từng loại thực phẩm, đảm bảo sử dụng trong 2-3 ngày hoặc tối đa 1 tuần, bao gồm các loại thực phẩm tươi sống, đông lạnh và thực phẩm có hạn sử dụng dài, ít hư hỏng như ngũ cốc, hàng đóng hộp, sấy khô…[4]

–       Sơ chế, bảo quản thực phẩm sau khi mua về: do lượng thực phẩm đặt mua dùng trong vài ngày nên người tiêu dùng cũng cần quan tâm đến việc sơ chế và bảo quản từng loại thực phẩm đúng cách, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình bảo quản và sử dụng. Đối với rau, củ, quả cần rửa sạch, để ráo nước và chia thành các phần nhỏ (lượng đủ dùng cho một bữa ăn) trước khi gói, bọc, bảo quản trong nhiệt độ mát; trứng gia cầm khi mua về cần rửa sạch, lau khô và bảo quản ở nhiệt độ mát; thịt, cá và các sản phẩm động vật khác phải rửa sạch và để ráo nước; bọc kín bảo quản ở nhiệt độ mát khi chờ chế biến trong ngày; bảo quản ở nhiệt độ đông lạnh nếu bảo quản lâu hơn và để riêng các loại thực phẩm khác khi bảo quản trong tủ lạnh [5].

Hình 1. Kế hoạch mua sắm thực phẩm trong mùa dịch COVID-19  (Nguồn: Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh)

Hình 1. Kế hoạch mua sắm thực phẩm trong mùa dịch COVID-19 (Nguồn: Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh)

Với nhu cầu mua sắm thực phẩm online tăng cao trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, người tiêu dùng cần thận trọng hơn, bởi thực phẩm bán trên mạng nhìn có thể ngon, đẹp, bắt mắt nhưng nếu không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm thì tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm, người tiêu dùng nên chọn những website đã có thương hiệu với đầy đủ thông tin về địa chỉ, số điện thoại, mã số thuế, nguồn gốc thực phẩm rõ ràng… hoặc mua của những người quen biết, có uy tín để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình cũng như quyền lợi khi có vấn đề phát sinh, đồng thời có kế hoạch mua sắm và sử dụng thực phẩm, không nên tích trữ quá nhiều nhằm đảm bảo về chất lượng của thực phẩm và sức khỏe của bản thân và gia đình./.

[1] Người tiêu dùng có thể tham khảo một số website kinh doanhthực phẩm và các mặt hàng thiết yếu tại trang web https://nongsan.congthuong.hochiminhcity.gov.vn của Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh

bqlattp.hochiminhcity.gov.vn