Hoạt động bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp nhằm mục đích gì?
Trả lời: Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp là để bảo vệ pháp chế, là bảo đảm sự chấp hành các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp. Hoạt động bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp nhằm đảm bảo cho các nội dung của quy phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp được thi hành nghiêm chỉnh, có hiệu lực, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của xã hội và của chủ văn bằng.
Các đối tượng sở hữu công nghiệp đang được bảo hộ là tài sản của doanh nghiệp, của cá nhân được pháp luật thừa nhận.
Bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp để thực hiện quyền và nghĩa vụ quốc tế. Việt Nam đã tham gia nhiều công ước quốc tế về sở hữu trí tuệ và nhiều hiệp định thương mại. Việt Nam đã là thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Nội dung của các văn bản này, đặc biệt của Hiệp định các khía cạnh sở hữu trí tuệ liên quan tới thương mại (TRIPS) đều quy định trách nhiệm của các bên tham gia trong việc thực thi các điều khoản đã cam kết, trong đó đảm bảo việc bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp của các tổ chức, cá nhân là chủ văn bằng đang được bảo hộ tại Việt Nam
Thế nào là xử lý hình sự tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp?
Trả lời: Truy cứu trách nhiệm hình sự áp dụng đối với người chịu trách nhiệm trước pháp luật (thủ trưởng) của tổ chức, cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân có hành vi nguy hiểm, có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự về sở hữu công nghiệp theo quy định của Bộ luật Hình sự, hoặc hành vi chưa nguy hiểm nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp nay cố tình tái phạm đối với các hành vi theo quy định tại Điều 126 xâm phạm quyền tự do sáng tạo, Điều 156, Điều 157, Điều 158 và Điều 167 về tội làm và buôn bán hàng giả, Điều 171 tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Truy cứu trách nhiệm hình sự khi có dấu hiệu tội phạm về sở hữu công nghiệp thực hiện theo thủ tục tố tụng hình sự và xét xử tại Toà Hình sự.