Đặt tên công ty chắc chắn là một trong những quyết định khó khăn nhất đối với hầu hết mọi người khi khởi nghiệp. Cách đặt tên công ty như thế nào để gây ấn tượng và dễ nhớ không phải chuyện đơn giản. Đây là vấn đề gây tốn khá nhiều thời gian của người sáng lập doanh nghiệp. Bởi vì tên công ty hay sẽ làm khách hàng ấn tượng, dễ nhớ hơn, góp phần tạo nên thương hiệu của doanh nghiệp.
Vì những lý do đó, bài viết sau đây chia sẻ những cách đặt tên công ty hay và phổ biến nhất để áp dụng cho công ty của bạn
Các nội dung chính
- Ba điều cấm trong đặt tên công ty
- 1. Đặt tên công ty theo tên cá nhân
- 2. Đặt tên theo chữ cái hoặc chữ số
- 3. Đặt tên công ty có ngành nghề kinh doanh
- 4. Đặt tên công ty thể hiện sự quyết tâm
- 5. Đặt tên công ty theo biểu tượng
- 6. Đặt tên công ty để truyền cảm hứng
- 7. Sử dụng tiếng nước ngoài
- 8. Đặt tên công ty hài hước
- 9. Đặt tên công ty bằng những từ viết tắt
- 10. Đặt tên công ty theo địa danh
- Tổng kết
Ba điều cấm trong đặt tên công ty
Những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp được quy định cụ thể tại Điều 39 và Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2014, cụ thể như sau:
– Cấm đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký.
– Cấm sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.
– Cấm sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
1. Đặt tên công ty theo tên cá nhân
Mỗi người sinh ra được cha mẹ đặt cho 1 cái tên để gọi, vì vậy chẳng có gì dễ nhớ hơn là lấy luôn tên mình đặt cho công ty. Hoặc nhiều người cũng ghép tên của vợ, chồng, con,… để đặt cũng rất dễ nhớ.
Ví dụ thực tế:
- Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (đặt theo tên của con trai bầu Đức);
- Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (đặt theo tên con trai chủ tịch Trần Bá Dương);
- Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (đặt theo tên Cường Đô la)
Cách lấy tên người đặt cho công ty như vậy không hề mới, trên thế giới cũng khá phổ biến. Ví dụ:
- The Trump Organization LLC là công ty của tổng thống Mỹ Donald Trump;
- Adidas là công ty đặt theo tên nhà sáng lập Adolf (Adi) Dassler;
- Casio là công ty chế tạo thiết bị điện tử Nhật Bản được đặt theo tên người sáng lập Kashio Tadao;
Pháp luật không hề cấm sử dụng tên danh nhân lịch sử để đặt tên cho công ty (xem: Quy định của pháp luật về tên doanh nghiệp). Nên nếu bạn ngưỡng mộ ai đó thì có thể lấy tên của họ đặt cho công ty mình, ví dụ: Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Xuân Diệu,…
2. Đặt tên theo chữ cái hoặc chữ số
Đây cũng là một cách rất hay. Bạn có thể lấy các chữ cái ghép lại với nhau, chẳng hạn: ABC, AXN, HBO,…
Hoặc lấy con số có ý nghĩa với mình (ngày cưới, năm sinh,…) để đặt tên cho công ty.
Hoặc đôi khi chỉ là các con số thể hiện sự may mắn như 3,6,8,9.
Ví dụ thực tế:
- Công ty TNHH phần mềm ABC;
- Công ty TNHH thương mại du lịch 333;
- Công ty TNHH Minh Hải 68;
- Công ty TNHH Mắt Kính 99;
3. Đặt tên công ty có ngành nghề kinh doanh
Thuở mới khởi nghiệp chẳng ai nghĩ được sau này công ty của mình sẽ trở thành tập đoàn nọ kia nên trước mắt đang kinh doanh cái gì thì lấy luôn ngành nghề đó cho vào tên doanh nghiệp để đối tác, khách hàng dễ nhận biết. Đây là cách nhanh chóng nhất, đơn giản nhất mà không phải nghĩ nhiều đau đầu.
Ví dụ:
- Công ty TNHH xây dựng Quang Dũng;
- Công ty cổ phần thủy sản Bình An;
- Công ty cổ phần nhựa Ngọc Nghĩa;
- Công ty cổ phần phân bón GreenFarm;
Các luật sư cũng thường tư vấn cho khách hàng nên để ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh vào tên công ty sẽ tránh được khả năng trùng lặp rất cao.
4. Đặt tên công ty thể hiện sự quyết tâm
Tham vọng, ý chí của bạn có thể được thể hiện ngay ở tên công ty. Ví dụ:
- Cầu may mắn, thành công: Tài Lộc, Hưng Thịnh, Thành Đạt,…
- Khẳng định sự uy tín: Việt Tín, Bảo Tín, Bảo An,…
- Tạo dựng niềm tin: Tâm An, Bình An, Hoàn Hảo,…
- Tham vọng dẫn đầu: Số 1, Top 1, Tiên Phong, Toàn Cầu,…
5. Đặt tên công ty theo biểu tượng
Bạn có thể lấy 1 biểu tượng nào đó mà mình thích để đặt tên cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như:
Hoa sen là biểu tượng văn hóa của Việt Nam, rất nhiều người lấy cảm hứng từ hoa sen đặt tên cho công ty của mình:
- Công ty TNHH truyền thông Bông sen trắng;
- Công ty Cổ phần du lịch Bông sen vàng;
- Công ty TNHH xây dựng thương mại Bông sen vàng;
Hoa Anh Đào (Sakura) là biểu tượng của Nhật Bản. Nếu bạn kinh doanh những lĩnh vực liên quan đến nước Nhật thì có thể đặt tên doanh nghiệp có chữ Sakura rất phù hợp.
6. Đặt tên công ty để truyền cảm hứng
Bạn có thể nghĩ đến 1 thứ gì đó có ý nghĩa liên tưởng, truyền cảm hứng mà nếu liên quan đến ngành nghề kinh doanh nữa thì tốt. Chẳng hạn như:
Lấy cảm hứng từ các vì sao
Mặt Trăng, Mặt Trời, Sao Khuê, Sao Mai, Sao Kim, Sao Thủy,… là những hành tinh bên ngoài trái đất. Con người chỉ nhìn thấy những ngôi sao này chứ không thể với tới được. Đặt tên công ty như vậy với ngụ ý là “Tuy xa vời vợi Nhưng gần ngay trước mắt” – thể hiện tham vọng vượt ra ngoài giới hạn Trái Đất để vươn ra ngoài vũ trụ bao la.
Lấy cảm hứng từ các vị Thần – Thánh
Những vị thần trong truyền thuyết hoặc dân gian không chỉ có khả năng phi thường mà còn gắn liền với 1 câu chuyện nào đó mang ý nghĩa giáo dục, triết lý sâu sắc. Các bạn hoàn toàn có thể đặt tên công ty theo tên 1 vị thần (vị thánh) nào đó nghe cũng rất hay, ví dụ:
- Công ty TNHH Tre Thánh Gióng;
- Công ty TNHH xây dựng Sơn Tinh;
- Công ty TNHH thời trang Venus;
Lấy cảm hứng từ 1 loài hoa
Hoa là biểu tượng của cái đẹp nên đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp thì sử dụng tên một loài hoa là sự lựa chọn không thể tuyệt vời hơn.
Không chỉ giới hạn trong lĩnh vực làm đẹp, những ai yêu cái đẹp cũng có thể đặt tên công ty theo tên 1 loài hoa. Ví dụ:
- Công ty cổ phần đầu tư Mai Vàng;
- Công ty TNHH giải trí Hoa Anh Đào;
- Công ty TNHH đầu tư Hoa Hướng Dương;
Lấy cảm hứng từ 1 loài động vật
Mỗi loài vật có một nét đặc trưng riêng, chẳng hạn:
- Sư Tử, Hổ, Báo, Đại Bàng là loài vật nhanh nhẹn và có sức mạnh;
- Gấu, Mèo, Cá Heo là loài vật dễ thương;
- Kiến, Ong, Trâu, Bò là loài vật chăm chỉ;
Tùy vào sở thích, lĩnh vực kinh doanh mà bạn có thể lấy tên của 1 con vật đặt tên cho doanh nghiệp. Ví dụ thực tế:
- Công ty cổ phần Kiến vàng;
- Doanh nghiệp tư nhân Ba con mèo;
- Công ty TNHH Sư tử biển;
- Công ty TNHH Bạch Hổ;
7. Sử dụng tiếng nước ngoài
Đây là một xu hướng ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các doanh nghiệp Việt Nam và đặc biệt là các doanh nghiệp trẻ. Ngày càng nhiều người có khả năng sử dụng tiếng Anh hoặc hiểu được các ngôn ngữ ngoại nhập. Do vậy, xu hướng sử dụng ngoại ngữ để đặt tên công ty sẽ làm cho doanh nghiệp hiện đại hơn, tạo được liên kết với những thuộc tính mà ngôn ngữ của quốc gia đó đại diện. Ví dụ: nếu doanh nghiệp có tên mang âm hưởng Đức sẽ được hưởng lợi nếu là doanh nghiệp sản xuất, phân phối các thiết bị công nghiệp (Đức vốn nổi tiếng với các sản phẩm này), doanh nghiệp mang tên gợi nhắc đến Nhật Bản sẽ tượng trưng cho các sản phẩm gia dụng và điện tử chất lượng cao.
Một số ví dụ:
- Công ty TNHH dinh dưỡng GreenFarm (Green là màu xanh lá cây, Farm là nông trại);
- Công ty hàng tiêu dùng Masan
- Nhà hàng Kichi – Kitchi
- Máy lọc nước Akamoto
- Công ty cổ phần thực phẩm HomeFood (Home là nhà, Food là đồ ăn);
- Công ty TNHH Thaco Seafood (Seafood là hải sản);
8. Đặt tên công ty hài hước
Hầu hết các doanh nghiệp đều có 1 cái tên ý nghĩa, và rất hiếm doanh nghiệp đặt tên công ty hài hước. Có lẽ vì kinh doanh cần nghiêm túc, chẳng ai muốn làm việc với 1 doanh nghiệp không nghiêm túc ngay từ cái tên. Thế nhưng trên thực tế, sự hiếm có đó không phải không có. Đây là ví dụ:
- Công ty TNHH Tự Nhiên Thấy Đói (ngành nghề chính: Bán buôn thực phẩm);
- Công ty TNHH Một Thành Viên Cười Lên Cái Coi (ngành nghề chính: Nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động);
Nghe thì có vẻ rất hay, nhưng hiện tại 2 doanh nghiệp này đều không còn hoạt động nữa, có lẽ cũng vì cái tên. Bạn có đủ dũng cảm để đặt tên doanh nghiệp hài hước như vậy không?
9. Đặt tên công ty bằng những từ viết tắt
Đây là cách mới nhưng khá phổ biến trong các doanh nghiệp Việt Nam. Ban đầu những tên này có thể là viết tắt của tên doanh nghiệp đầy đủ nhưng sau đó do việc sử dụng thuận tiện hơn nó có thể trở thành tên gọi thay thế và đôi khi tên gọi pháp lý của doanh nghiệp. Có một số cách đặt tên như sau:
– Viết tắt tên địa danh và ngành nghề: Vinaconex, Viglacera, Vinamilk, Habeco, Sabeco
– Viết tắt từ tên công ty đầy đủ:
– Lấy các chữ cái đầy tiên của tên: ACB ( Ngân hàng Á Châu), ICP (Internation Consumer Product) …
10. Đặt tên công ty theo địa danh
Đây là một cách đặt tên rất truyền thống được sử dụng để nhấn mạnh tính bản địa của doanh nghiệp giúp doanh nghiệp có lợi thế khi phục vụ tại thị trường địa phương hoặc trong trường hợp sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp sẽ được đánh giá cao khi có người gốc xuất xứ tại đây. Một vài cách đặt tên theo phương pháp này như:
– Lấy địa danh làm tên chính: Bất động sản Thăng Long, Nhà đất Thủ Đô, Bia Hà Nội …
– Lấy địa danh nổi tiếng về loại sản phẩm đang kinh doanh: Nước mắm Phan Thiết, Yến Khánh Hòa, Vang Đà Lạt, Chè Thái Nguyên …
– Lấy tên ghép của các quốc gia: Việt Trung, Việt Nhật, Việt Pháp, Việt Nga ….
– Lấy tên địa danh làm chỉ dẫn xuất xứ: Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An …
Tổng kết
Tên doanh nghiệp đôi khi còn quan trọng hơn cả nhãn hiệu, vì 1 doanh nghiệp có thể có nhiều nhãn hiệu nhưng tên doanh nghiệp thì là duy nhất. Đặt tên như thế nào để khách hàng nghe thấy hay, thấy ấn tượng, và nhanh chóng ghi nhớ quả không phải chuyện dễ dàng. InvestOne hi vọng với 9 gợi ý về cách đặt tên doanh nghiệp ở trên sẽ giúp bạn có thêm sự lựa chọn, sớm nghĩ ra 1 cái tên hay, phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của bạn.
Hãy cho chúng tôi biết cảm nhận của bạn | |
Vừa nhận giấy phép, cảm ơn AZF, bạn giao nhận hỗ trợ rất nhiệt tình, chiều t7 dc nghỉ mà vẫn chạy đến giao cho mình vui vẻ