CEO Trần Quân cho biết, có những ngày cao điểm sức mua tại chuỗi Sói Biển tăng 500%, tổng lượng đặt hàng online cao gấp 3-5 lần, toàn công ty làm việc từ 5h sáng đến tận khuya để nhập, bán hàng.

Dịch Covid-19 đang tác động mạnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp. Các chuỗi cửa hàng, siêu thị kinh doanh thực phẩm thiết yếu dù vẫn được hoạt động trong thời gian cách ly xã hội theo chỉ thị của Chính phủ nhưng đang có những thay đổi lớn về cách thức kinh doanh trong tình hình dịch bệnh.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Quân – CEO chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Sói Biển để tìm hiểu sự thay đổi cách thức hoạt động trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Thị trường bán lẻ thực phẩm thời gian qua chắc chắn có nhiều biến động. Ông nhìn nhận thế nào về những thách thức, cũng như cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ thực phẩm ở thời điểm này?

Ông Trần Quân: Từ đầu năm 2020 đến nay dịch bệnh diễn biến rất phức tạp ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp sản xuất, phân phối thực phẩm.

Đối với doanh nghiệp sản xuất, hầu hết tất cả các thị trường xuất khẩu đều dừng nhập hàng, do vậy không thể tiêu thụ được sản phẩm. Thị trường trong nước chưa xây dựng hệ thống phân phối do vậy gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.

Các doanh nghiệp phân phối thực phẩm thuộc nhóm ngành thiết yếu do vậy vẫn được nhà nước ưu tiên cho phép hoạt động trong thời điểm dịch phức tạp như hiện nay. Đây là một sự may mắn so với các ngành khác đang buộc phải đóng cửa, dừng hoạt động. Tuy vẫn được mở cửa bán hàng nhưng lượng khách hàng mua kênh offline giảm mạnh do khách hàng ngại ra ngoài mua, nên bắt buộc các doanh nghiệp bán lẻ phải đưa sản phẩm của mình lên bán online để phục vụ khách hàng.

Nói riêng về chuỗi thực phẩm sạch Sói Biển, ông có thể chia sẻ về những tác động mà dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới doanh nghiệp của mình?

Ông Trần Quân: Với tôi và anh em Sói Biển 3 tháng qua là quãng thời gian đầy trải nghiệm. Chưa bao giờ trong 8 năm làm bán lẻ thực phẩm sạch lại có nhiều biến động như vậy. Có những ngày cao điểm sức mua tăng 500%, nhưng ngay sau đó là sụt giảm mạnh khiến anh chị em toàn công ty có những hôm thức đến 3h sáng đặt hàng, làm việc với nhà cung cấp để có đủ hàng hôm sau.

Có những hôm tôi trực tiếp vào Phú Yên để làm việc tận nơi giúp bà con ngư dân tiêu thụ Tôm và đã tạo ra một làn sóng mua tôm hùm tại các thành phố lớn. Những ngày như vậy toàn công ty làm việc từ 5h sáng đến tận khuya để nhập hàng, bán hàng và nhận đơn hàng online. Phòng marketing và công nghệ làm đến khuya để kịp nâng cấp website, đưa toàn bộ gần 1.000 sản phẩm thực phẩm thiết yếu lên website để phục vụ khách hàng trước thời điểm cách ly xã hội được Thủ tướng ban hành.

Các giải pháp, phương án ứng phó hiện nay của Sói Biển là gì? Trong ngắn hạn, những giải pháp, phương án này có đem lại hiệu quả?

Ông Trần Quân: Tôi nhận thấy rất rõ trong vài tháng qua, khách hàng thay đổi thói quen tiêu dùng rất mạnh từ việc mua trực tiếp tại cửa hàng sang hành vi mua/đặt hàng online. Website Sói Biển mới ra mắt phiên bản mới vào cuối tháng 3/2020, số lượng đặt thực phẩm qua website trước đây chỉ thi thoảng có vài đơn, đến đầu tháng 4/2020 có những ngày chúng tôi nhận được vài trăm đơn hàng.

Tổng lượng đặt hàng online của Sói Biển tăng gấp 3-5 lần so với trước khi có dịch bệnh. Khách hàng sẽ đặt hàng hôm trước và nhận hàng tại nhà vào ngày hôm sau. Vừa tiết kiệm thời gian, an toàn trước dịch bệnh và Sói Biển cũng giảm được lượng hàng hủy do đặt hàng nhà cung cấp đúng như lượng khách hàng đã đặt trước.

Được biết, Sói Biển từng là đơn vị đi tiên phong trong chiến dịch hỗ trợ tiêu thụ tôm hùm giúp bà con ngư dân. Anh có thể cho biết kết quả của đợt hỗ trợ bà con vừa qua?

Ông Trần Quân: Trong tháng 2/2020, Sói Biển đã có hàng ngàn lượt khách hàng tới mua trực tiếp tại cửa hàng. Tổng lượng bán Tôm Hùm khoảng hơn 2 tấn giúp hỗ trợ bà con Khánh Hòa, Phú Yên tiêu thụ tôm hùm với giá cao hơn bán cho thương lái Trung Quốc.

Sói Biển rất vui vì sau một thời gian ngắn lượng tiêu thụ Tôm Hùm trong nước tăng gấp 5-10 lần trước khi có chiến dịch, hàng loạt những thương hiệu như Vinmart, Mertro, CoopMart…tham gia giải cứu tôm hùm hỗ trợ bà con ngư dân tiêu thụ.

Giá Tôm Hùm từ đầu tháng 4 đã giảm rất mạnh do không xuất khẩu được và thị trường trong nước giảm mạnh. Người dân chủ yếu mua tôm hùm tại các đơn vị bán lẻ hải sản tươi sống, giao tận nhà chứ không ra nhà hàng, quán ăn như trước.

Do giá nhập giảm từ 20-30% so với tháng 2 do vậy Sói Biển đã giảm giá mạnh đi kèm với chính sách đặt hàng qua website, Fanpage, giao tận nhà cho khách hàng đang được đông đảo khách hàng quan tâm. Giá Tôm Hùm xanh tại Sói Biển và các cửa hàng hải sản tươi sống giảm mạnh, dao động chỉ từ 700.000 đ – 795.000đ tùy loại.

Theo tôi, việc hỗ trợ tiêu thụ chỉ là giải pháp ngắn hạn trong thời điểm này, về lâu dài các doanh nghiệp, bà con, vùng nuôi tôm cũng như tất cả các sản phẩm nông sản, hải sản Việt Nam cần xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm, kiểm soát chất lượng thật tốt, xây dựng thương hiệu sản phẩm và đẩy mạnh xây dựng thị trường trong nước song song với xuất khẩu.

Có như vậy người nông dân, ngư dân mới bán được giá tốt, thị trường đầu ra ổn định và không còn tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” như nhiều năm qua.

Cảm ơn ông đã dành thời gian chia sẻ, chúc ông và Sói Biển trong thời gian tới tiếp tục phát triển vững mạnh, vượt qua giai đoạn đại dịch Covid 19 đầy thử thách!