Những ngày cận Tết Nguyên đán, tình trạng ngộ độc thực phẩm có xu hướng gia tăng tại nhiều địa phương. Số ca nhập viện liên quan đến ngộ độc thực phẩm tăng cao
Bộ Y tế lưu ý về an toàn thực phẩm ngày Tết
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thời điểm cuối năm, các bữa tiệc tất niên liên miên, thói quen ăn nhiều món chiên, xào và nước ngọt, đồ uống có cồn… khiến nhiều người mất kiểm soát về dinh dưỡng, gây ra hệ lụy sức khỏe phải nhập viện.
Vào dịp cuối năm, Trung tâm thường tiếp nhận và điều trị nhiều ca ngộ độc do uống rượu không nhãn mác, không nguồn gốc, không rõ thành phần, trôi nổi ngoài thị trường. Dự báo, số bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc thực phẩm tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Những nguy cơ chính dẫn đến ngộ độc thực phẩm dịp cận Tết bao gồm:
- Thực phẩm không rõ nguồn gốc: Việc tiêu thụ các loại bánh mứt, giò chả không có nhãn mác, hạn sử dụng rõ ràng là một trong những nguyên nhân hàng đầu.
- Thực phẩm bảo quản không đúng cách: Nhiều gia đình có thói quen tích trữ thực phẩm trong thời gian dài. Nếu không bảo quản đúng quy trình, thực phẩm dễ bị hư hỏng hoặc nhiễm vi khuẩn.
- Ăn uống tại các quán xá không đảm bảo vệ sinh: Nhu cầu ăn uống tăng cao vào dịp Tết khiến các hàng quán hoạt động hết công suất, dễ dẫn đến việc bỏ qua các quy chuẩn an toàn thực phẩm.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo về an toàn thực phẩm và biện pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm trong những ngày Tết.
Nên mua vừa đủ, mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng: Vào những dịp trước Tết thì nguồn cung ứng thực phẩm tươi sống, rau củ quả, sản phẩm bánh kẹo, đồ chế biến sẵn rất dồi dào với đa dạng chủng loại. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thực phẩm, chúng ta cần lựa chọn sản phẩm tươi sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nên chọn các điểm mua sắm đảm bảo.
Các chợ, siêu thị thường đã mở cửa sau mùng 2 Tết, thậm chí có cửa hàng bán xuyên Tết, do đó việc mua sắm, tích trữ thực phẩm là không cần thiết, gây lãng phí mà có thể không an toàn. Việc bảo quản thực phẩm sống lẫn thực phẩm chín có thể gây nhiễm chéo vi khuẩn gây bệnh.
Không nên mua nhiều thực phẩm vượt quá sức chứa của tủ lạnh, nhiệt độ của tủ có thể không đủ độ lạnh, dẫn đến thức ăn nhanh ôi thiu, gây ngộ độc thực phẩm. Vì vậy, khi mua sắm Tết, hãy tính toán lượng thức ăn đủ dùng, không nên mua quá nhiều đồ ăn rồi để tủ lạnh vừa không tươi, vừa có thể lãng phí, mà để lâu, bảo quản không đúng cách có thể không đảm bảo cho sức khỏe và có thể gây ngộ độc.
Lưu ý: cẩn thận khi mua thực phẩm chế biến sẵn từ các cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ. Mấy năm gần đây hoạt động mua bán đồ ăn, thực phẩm chế biến sẵn trên những nền tảng xã hội như Facebook, Zalo trở nên phổ biến, và đặc biệt nhộn nhịp trong những dịp tết đến xuân về khi nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao.
Có nhiều cơ sở kinh doanh cung cấp các thực phẩm có hương vị thơm ngon, sạch sẽ. Tuy nhiên, do các thực phẩm này chủ yếu được sản xuất theo kiểu thủ công tại hộ gia đình nhỏ lẻ với điều kiện hạn hẹp về cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ có thể gây mất an toàn thực phẩm, đặc biệt là khi đơn đặt hàng vượt quá khả năng sản xuất chế biến.
Lưu ý khi sử dụng đồ uống có cồn: Tết là thời điểm nhu cầu sử dụng rượu bia gia tăng trong các buổi liên hoan, tất niên, sum họp gia đình, cùng với đó là số người nhập viện do say rượu, bia, thậm chí bị ngộ độc rượu cũng tăng cao hơn. Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn: Tự nấu ăn để giảm nguy cơ mất an toàn thực phẩm. Nếu mua thực phẩm sẵn, hỏi rõ thời gian chế biến, cách bảo quản và nấu chín trước khi dùng.
- Đồ uống có cồn: Chỉ uống rượu, bia có nguồn gốc rõ ràng, hạn chế rượu thủ công hoặc ngâm thảo dược vì dễ chứa độc tố. Tuyệt đối không uống đồ uống không rõ xuất xứ.
- Vệ sinh, bảo quản thực phẩm: Nấu chín kỹ, tránh ăn đồ sống hoặc lên men nếu không đảm bảo an toàn.
- Lưu ý bảo quản và sử dụng thực phẩm: Thức ăn thừa cần đậy kín, bảo quản lạnh và hâm nóng kỹ trước khi dùng. Mâm cơm cúng chỉ nên ăn trong 4 giờ, sau đó cần đun.
nguồn: https://laodong.vn/suc-khoe/bo-y-te-luu-y-ve-an-toan-thuc-pham-ngay-tet-1442079.ldo